Câu kéo là một thú vui giải trí đã ăn sâu vào máu thịt của biết bao thế hệ Cần thủ, tôi cũng không phải là một ngoại lệ, tuy nhiên câu cá lóc mới chính là niềm đam mê lớn nhất, được nâng lên hàng nghệ thuật. Câu cá ở miền Trung có phong cách khác hẳn với những nơi khác, hôm nay mạo muội xin phép các tiền bối được viết sơ qua về cách câu cá Lóc ở quê tôi, có gì không phải xin các bác lượng thứ cho. Câu cá Lóc ở quê tôi về cơ bản vẫn là trường phái câu rê không khác gì mấy so với các vùng miền khác, có chăng là cách móc mồi câu và một số điểm khác biệt trong sử dụng đồ nghề câu. Đồ nghề câu Trước kia các cụ khi đi câu dùng lưỡi câu khá lớn có gắn cọng cỏ để chống vướng và đương nhiên nhái câu cũng phải loại to, lưỡi câu thường nằm ngoài con nhái, ngày nay giới đi câu vùng miền Trung chuộng dùng lưỡi nhỏ và giấu lưỡi vào trong bụng nhái, kiểu móc này không cầu kỳ và cũng khá hiệu quả, tuy nhiên khi cá ăn mà cần thủ không có kinh nghiệm cũng rất dễ giật xẩy cá. - Lưỡi câu: Để câu được cá lóc thì lưỡi câu đòi hỏi chất lượng phải tốt, đa số được làm thủ công vì yêu cầu của lưỡi cá lóc là mũi thật sắc nhưng phải bền khi quăng quật, ngạnh sắc và dài vì cá lóc rảy lưỡi rất giỏi, loại lưỡi được anh em ưa chuộng nhất là lưỡi làm từ lò xo băng đạn AK47, loại này thép rất cứng và độ sắc kinh người, để làm ra được một chiếc lưỡi như vậy là khá công phu từ khâu tạo ngạnh đến uốn lưỡi, yêu cầu là không được dùng nhiệt để dàn thép cũng như tạo hình, đối với cá nhân tôi chỉ cần làm hai chiếc lưỡi câu như vậy là đã phải vứt bỏ một chiếc dũa chợ vì nó bị mòn hết gai, nói như vậy thì mọi người có thể hình dung ra loại thép này cứng đến độ nào.



Lò xo băng đạn AK47




Chiếc lò xo này có lẽ lớn tuổi hơn một cần thủ trung niên, phải bới móc mãi trong quán phế liệu cũ mới có được.



Những phương tiện thủ công này đã tạo nên những chiếc lưỡi câu đầy chết chóc, nếu bạn là người câu cá Lóc chuyên nghiệp( Có nghiã lúc nào cũng chỉ cá Lóc và cá Lóc) thì hãy chịu khó làm lưỡi câu để chơi, đó cũng là một cái thú vui khá công phu, rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ hết sức hãnh diện khi thưởng thức thành quả từ chiếc lưỡi câu do chính tay mình làm ra đem lại, hoặc chí ít khi lưỡi câu mắc nè hay con cá nó rúc xuống dưới bùn không kéo lên được thì dù nước sâu, trời lạnh hay gai góc gì bạn cũng phải đánh trần ra mà lủi xuống, nếu lỡ bị đứt mất thì bạn cũng phải xót xa tiếc nuối đến đứt ruột, thế mới là cần thủ chân chính.



- Chì câu: Đối với cách móc nhái như vậy thì phải dùng đến
chì chạy, loại chì này được khoét rộng lỗ sau để nó có thể trùm kín lên mối buộc giữa dây dù cán lưỡi với sợi dây câu để cho rong rêu không vướng vào mối buộc này khi rê câu. Chì câu có khoét đáy



- Chụp chì: Vì là chì chạy nên chỉ vài lần giật đột ngột cái lỗ
phía đầu nhỏ của viên chì sẽ bị dây cước ăn vào toe ra và rong rêu dễ vướng vào đó, để khắc phục tình trạng này người ta dùng đến cái chụp bằng cao su non để che đầu chì. - Một bộ lưỡi, chì, và ròng rọc hoàn chỉnh:



Cái ròng rọc được làm bởi một “Nghệ nhân” người Huế, anh Ben ở 19 Lê Thánh Tôn, ông này năm nay khoảng 50 tuổi và chỉ có thâm niên 40 năm cầm cần thôi, một tay câu cá Lóc chuyên nghiệp, ông có cả một xưởng làm lưỡi, chì, đài câu và món hàng đặc biệt là cái ròng rọc, thường làm bằng sừng trâu già, phía sau khoét lỗ để nhét đầu cần, phía trước được khéo léo đặt vào một viên bi hình trụ bằng thép, kỳ công hơn là bằng sứ của chiếc buri xe máy cưa ra, chạy rất êm và nhẹ. - Cần câu: Theo cách câu của anh em ở đây, chúng tôi thường dùng cần câu không có khoen hoặc mua về rồi tháo khoen cũng được, cần dài chừng 2,7-3,2m là vừa, phải dùng cần hai đốt, yêu cầu cần phải nhẹ để ôm cần cả buổi cũng không mệt, thứ nữa ngọn cần phải đủ độ cứng khi giật cá ở khoảng cách xa mới xóc được lưỡi Một góc đồ nghề câu cá Lóc



- Đài câu: Đây chính là LINH HỒN CỦA BỘ ĐỒ CÂU CÁ LÓC, để làm được một cái đài câu là cả một quá trình công phu chứ không giống như câu bằng máy cứ ra tiệm là có, vất vả từ khâu đặt hàng, kiếm gỗ mít loại to và tốt rồi đem ra thợ tiện nó tiện theo ý của mình. Vì vậy, dân câu cá quê tôi quý cái đài câu hơn cái gì hết, lúc nào cũng giữ khư khư trên tay vì chỉ cần rơi xuống đất một cái là nó sẽ vỡ tan tành như chiếc bánh tráng nướng. Ưu điểm nổi bật của câu cá Lóc bằng đài gỗ so với máy câu là đường kính cuốn cước của nó lớn nên dây câu không bao giờ bị quăn, ra cước đều và êm, thứ nữa là câu kiểu này đầu cần có chiếc ròng rọc sừng trâu bên trong có viên bi bằng sứ hoặc thép nên chạy rất êm tránh hiện tượng dây cước bị lép khi chạy qua đầu khoen nhỏ của chiếc cần có gắn máy. Nhược điểm của nó là khó câu cho những người mới tập tành và dễ hư hỏng với những ai không cẩn thận. Dù sao tôi vẫn khoái nó hơn máy câu là ở giá trị truyền thống mà không phải dễ gì các hãng đồ câu hiện đại nào có được.





Chiếc đài này thuộc vào loại khá lớn dùng cho những người đã điêu luyện, đường kính ngang rãnh cuốn dây 24,5cm, một vòng cuốn khoảng 77cm dây - Dây câu: Để câu được cá lóc thì việc chọn dây câu khá là công phu, vì đây là trường phái câu rê nên dây câu trước tiên phải nhỏ để có thể ra dây dễ dàng và quăng xa chính xác, hầu hết dân câu cá lóc đều là những bậc thầy về khả năng này. Để làm dược điều đó yêu cầu dây phải nhỏ, độ trơn láng cao, mềm. Và vì thường giật cá ở xa nên yêu cầu độ đàn hồi của dây không được lớn quá vì sẽ không xóc lưỡi, đó là lý do tôi nói vì sao dây câu cá lóc rất kén. Vậy là bộ đồ nghề câu đã khá hoàn chỉnh, bây giờ xin nói đến cách móc nhái. Kiểu móc nhái này cũng không giống với các vùng miền khác, ở đây chúng tôi chỉ sử dụng lưỡi câu có khóa dây trên đầu để treo nhái và không sử dụng thêm một vật liệu nào khác, con nhái vẫn đi êm đều dưới nước mà không sợ phải mắc rong rêu hay bất cứ chướng ngại vật nào Bước 1: Bạn dùng lưỡi câu móc từ trên mũi xuống dưới hàm con nhái, móc cân đối giữa hai mắt, đừng nên móc sâu về phía sau quá vì như vậy dễ vướng cỏ vào mũi nhái.

 

Bước 2: Bạn luồn dây khóa mũi nhái qua mũi lưỡi câu và kéo hẳn chuôi lưỡi xuống dưới cằm nhái, như vậy mũi của nhái đã bị khóa.




Bước 3: Móc phần đầu lưỡi về phía bụng con nhái, lúc này chiếc lưỡi đã được giấu trong bụng nhái và chỉ xóc ra ngoài khi giật đột ngột, tùy theo nhái to nhỏ và cân đối vị trí móc vào bụng, có thể giữa bụng hay sát bẹn, miễn sao con nhái thẳng tự nhiên không bị cong hay gập người.






Đối với cách móc câu như vậy thì bạn sẽ yên tâm vì con nhái sẽ không bị vướng rong do đầu cán lưỡi câu đã nằm dưới cằm con nhái và nó sẽ luôn bơi sấp với hai cái chân ve vẩy, người thấy còn thèm nữa là cá. Bây giờ thì hãy vác câu, nhái và lên đường. Đặc tính của cá Lóc là loài săn mồi động ở dưới nước, nó sống chủ yếu ở những vùng ao hồ sình lầy và nước ít chảy, sẽ rất khó khăn khi bạn câu được cá Lóc ở sông vì nước chảy mạnh cá khó làm tổ, Những ao hồ đầm lầy quanh năm không cạn nước sẽ là nơi lý tưởng cho cá lóc cư ngụ và anh em vung cần.


Có tay câu cá lóc chuyên nghiệp nào mà không chảy nước miếng khi thấy địa điểm câu lý tưởng như vậy, một cái hồ sen đã tàn, sình lầy ngập quá đầu. Khi đã đến địa điểm câu, bạn hãy chọn cho mình một đường câu ưng ý nhất, đó là một khâu rất quan trọng tùy thuộc vào kinh nghiệm của bạn, đường câu phải đủ dài và rộng, xung quanh có rong rêu nhiều, ở những đầm hồ sen súng nhiều thì tốt nhất bạn nên dọn sẵn một đường câu rồi vác cần câu chỗ khác chờ một lúc thì có thể câu được, nên chọn chỗ râm mát và ít gió vì cá lóc rất thích những chỗ nước lặng. Khi đã có đường câu ưng ý rồi thì bạn chỉ việc rê câu, công việc này đối với người ngoài mà nhìn vào thì khá nhàm chán nhưng với dân câu thì đó là cả một nghệ thuật đầy kiên nhẫn và tỉ mỉ, yêu cầu cao nhất của một cần thủ cá lóc là độ lỳ lợm, bạn cứ tin tưởng cá sẽ ăn ở cú ném tiếp theo và cứ bền bỉ như vậy, nghe tiếng lõm bõm của nhái cũng như mùi tanh của nhái là các chú sẽ tìm đến ngay, “Chịu khó đeo bám” sẽ có thành quả. Đặc tính của cá Lóc là một loài cá dữ săn mồi động, vì vậy bạn cứ kiên trì rê, động nước là nó sẽ tìm tới theo Bản năng săn mồi của chúng, khi nó đã tới rồi thì động nước mấy nó cũng ăn, có những dây câu tôi câu được đến cả chục con bằng bắp tay chỉ trong một buổi sáng là chuyện bình thường, đôi lúc nó tìm tới con mồi của bạn rồi nhưng chưa ăn ngay mà cứ lởn vởn theo đường câu, thử hỏi còn gì thú vị hơn cái khoảnh khắc ấy. Câu cá Lóc cũng phải tùy theo thời điểm, nếu trời lạnh cá Lóc chậm ăn hơn và ít di chuyển nên bạn cần câu chìm hơn, rê mồi chậm và nên thường xuyên thay đổi hướng câu, tốt nhất là nên quan sát kỹ để nhận biết cá thở ở khu vực nào để rê mồi. Khi trời chuyển nắng đẹp, cá Lóc sẽ nhởn nhơ đi kiếm mồi, bạn nên rê nhái nhanh để gây sự chú ý. Thời điểm câu cá Lóc lý tưởng nhất là khi đang lạnh kéo dài mà trời chuyển ấm lên, có lúc trong một buổi sáng tôi đã câu được 15 chú với trọng lượng 12kg, đó là đợt rét đậm năm 2006 vừa qua. Nói vậy thôi chứ ai đã trót mê cá Lóc rồi thì trời có xấu đến mấy mà rảnh rỗi là ngay lập tức lên đường, vài ngày mà không được ôm cần là thấy ngứa ngáy bứt rứt trong người ngay. Cá lóc sống có ranh giới rõ ràng trong một khu vực nhất định, vì vậy khi bạn câu sẩy hôm nay thì ngày mai nó vẫn luẩn quẩn ở chỗ cũ, cá lóc lấy hơi khá nhẹ nên đôi khi bạn phải để ý mới phát hiện ra, nó chi ngoi lên mặt nước hớp nhẹ một cái rồi lại xuống lại, bạn đừng thấy nó thở như vậy mà nghĩ là cá nhỏ. Cá Lóc lên lấy hơi gần như cá rô phi nhưng không có cú vẩy đuôi khi lặn xuống, cá phát lát cũng tương tự nhưng khi lặn xuống có có hai cái bọt khí to tướng bằng hai ngón tay nổi ngay lên mặt nước. Khi rê nổi trên rong hoặc lá súng mà cá lóc ăn đôi lúc làm ta giật thót mình vì nó ăn nổi rất tục và hung dữ, khi rê chìm con nhái đang bơi đều đều bỗng “Khực” cái ở đầu dây giống như bạn đang đi xe máy bị hóc số vậy, đầu xa một đám bong bóng nổi lên thì chính là nó đấy, lúc này bạn nhanh chóng hạ cần và thu lại khoảng hai ba vòng cước đến khi dây gần thẳng là đánh ngay, không nên ngâm lâu, khoảng 4-5 giây là được, cá lóc rất khôn, khi ngậm phải con nhái mà thấy có nguy hiểm hoặc dây hơi căng là nó sẽ phóng lên khỏi mặt nước và rảy lưỡi ra ngay, đây là khâu khó nhất trong quá trình câu cá, nếu bạn để trùng dây quá thì cái cần giật không đủ biên độ và lưỡi sẽ không xóc được, nếu căng dây quá thì cá sẽ chồm, nói chung kể cả những cần thủ chuyên nghiệp thì tỷ lệ giật xẩy cá lóc cũng khá cao, chục phát thì may lắm cũng chỉ được 7-8 con.